Dát vàng nội thất nói chung và phào chỉ nói riêng đang là xu hướng và là lựa chọn được nhiều chủ nhà yêu thích. Đặc biệt đối với những biệt thự lớn hay căn hộ cao cấp thì chủ nhà luôn muốn tạo điểm nhấn giúp cho ngôi nhà thêm phần sang trọng.
Tuy quá trình thi công dát vàng không khó xong nó lại đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, nắm vững kỹ thuật thì mới có thể mang lại những sản phẩm đẹp như mong muốn. Chính vì thế, nếu là thợ thi công mới vào nghề hoặc là những người muốn thử sức dát vàng phào chỉ thì không tránh khỏi những lỗi cơ bản, khiến sản phẩm sau khi dát không được bóng đẹp, bị xỉn màu hoặc dễ bị bong tróc lớp lá vàng. Ở bài viết này Đức Long QB mời quý khách hàng cùng tìm hiểu rõ hơn về những lỗi cơ bản mà người thợ thi công dát vàng phào chỉ mới vào nghề hay còn ít kinh nghiệm thường gặp phải.
Contents
1. Lựa chọn lá vàng và dụng cụ thi công không phù hợp
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại lá vàng và các dụng cụ khác nhau để cho người tiêu dùng lựa chọn. Một số loại lá vàng phổ biến trên thị trường như lá Đài, lá Trung, lá Ý, lá Nhật với nhiều mức giá khác nhau. Vì vậy bản chất của lá vàng là độ dày mỏng, giòn dai cũng khác nhau. Nếu thi công dát vàng được thuận tiện nên chọn loại lá vàng có độ dai vừa phải, không quá mỏng dễ bị vụn nát nhưng cũng không quá dày khiến lớp vàng không được bóng nét.
Bên cạnh đó, chọn loại keo có độ bám dính tốt, an toàn cho sức khỏe người sử dụng cũng là mối quan tâm lớn của thợ dát vàng. Chổi vẽ keo và chổi dập lá nên chọn loại lông mềm vừa, có nguồn gốc tự nhiên để tránh làm xước bề mặt lá vàng.
Hình ảnh : lựa chọn lá vàng và dụng cụ thi công không phù hợp
2. Pha chế keo dát vàng không đúng
Hầu hết các loại keo đều có thể sử dụng luôn sau khi mở nắp mà không cần phải pha thêm dung môi. Song thời gian chờ đợi keo khô sẽ hơi lâu và sau khi tiếp xúc với không khí, keo sẽ trở nên đặc hơn. Đó là lý do người thợ thường pha thêm dung môi như xăng, dầu hỏa hoặc nước để vẽ keo được đều và rút ngắn thời gian chờ keo khô. Thế nhưng không phải ai cũng nắm được lượng dung môi chính xác để pha thêm vào keo dát vàng, đặc biệt là những người mới vào nghề. Vì vậy, bên cạnh hướng dẫn của nhà sản xuất thì người dùng phải nắm được lượng dung môi phù hợp để pha vào keo.
Nếu lượng dung môi pha vào không đúng, nhiều quá làm keo lỏng giảm độ bám dính còn nếu ít quá thì keo đặc khó thi công và lâu khô.
Hình ảnh : pha chế keo dát vàng không đúng
3. Kỹ thuật quét keo và phủ lá vàng không khéo léo
Một trong những yếu tố tạo nên những đường hoa văn sắc nét và đẹp mắt chính là kỹ thuật quét keo. Nên chọn một chiếc bút vẽ có đầu lông mềm mại để vẽ keo và đưa nét vẽ dứt khoát. Nếu bạn không phải là một người có tài năng hội họa hoặc khéo tay thì nên thực hành vẽ bằng bút lông thường xuyên để quen với việc cầm bút vẽ. Khi vẽ keo chỉ nên vẽ một lớp mỏng đều, không để keo đọng ở những vị trí thấp vì tại chỗ keo nhiều sẽ lâu khô.
Trình tự phủ lá vàng: Phủ lá theo thứ tự, không bỏ cách, không hở viền. Bạn nên phủ lá hết tất cả vị trí đã quét keo trước đó rồi mới tiến hành dập lá vàng. Nếu vị trí nào keo còn ướt chưa thể phủ được lá thì đợi thêm, còn những vị trí đã khô keo gần đó thì chỉ ốp lá rồi dùng tay miết nhẹ, đợi khi nào tất cả vị trí đều được ốp lá vàng rồi thì mới dùng chổi dập lá.
Hình ảnh : kĩ thuật quét keo và phủ lá vàng không khéo leo
4. Dát vàng khi keo chưa đủ độ khô hoặc quá khô
Lý do phổ biến nhất khiến cho lớp vàng sau khi dát bị nhăn nheo, xỉn màu chính là do phủ lá vàng khi keo còn ướt. Sau khi vẽ keo cần đợi một khoảng thời gian nhất định để keo khô tương đối mới được dát vàng. Đây là quy định bắt buộc khi sử dụng các loại keo dát vàng chuyên dụng. Tùy thuộc vào loại keo, độ ẩm không khí mà thời gian đợi khô keo là khác nhau (từ vài chục phút cho đến vài giờ). Thông thường các nhà sản xuất sẽ quy định khoảng thời gian để keo khô nhưng tùy vào điều kiện bên ngoài như độ ẩm, mức gió, nhiệt độ mà thời gian có thể chênh lệch khá nhiều. Do vậy, nếu muốn biết chính xác độ khô của keo đã đạt chưa thì nên dùng tay cảm nhận.
Nếu dùng tay để test thử keo thì phải đảm bảo tay sạch không bám bụi và khô ráo hoàn toàn, có như vậy mới cảm nhận được chính xác. Keo vừa đủ độ là khi dùng ngón tay sờ nhẹ dứt khoát thấy dấp dính, nhưng nhấc ngón tay lên dễ dàng, không có keo bám vào tay là được.
Hình ảnh : dát vàng khi keo chưa đủ độ khô hoặc quá khô
5. Phủ bóng khi lớp dát vàng còn ẩm
Công đoạn cuối cùng chính là phủ bóng bảo vệ lá vàng. Công dụng của phủ bóng chính là tạo một lớp màng trong suốt bảo vệ bề mặt lá vàng khỏi những tác động từ bên ngoài: độ ẩm, va chạm làm bong tróc…Đây được xem là bước đơn giản nhất nhưng cũng cần chú ý một vài điểm quan trọng sau:
Thứ nhất, thời gian phủ bóng là sau khi dát vàng ít nhất 24h, nếu không quá vội thì có thể đợi lâu thêm cho bề mặt dát vàng khô ráo hoàn toàn.
Thứ hai, thời điểm phủ bóng phù hợp là khi thời tiết khô ráo, độ ẩm không khí thấp sẽ giúp lớp vàng được bóng đẹp.
Trên đây là một số lỗi thường gặp khi dát vàng phào chỉ và các đồ trang trí khác. Dát vàng tuy không dễ nhưng cũng không phải quá khó. Nếu được trải nghiệm một vài lần sẽ tích lũy và đúng kết được thêm kinh nghiệm và sản phẩm sau dát sẽ đẹp mắt, sáng bóng.